Hiệu ứng mạng, yếu tố không thể thiếu với một dự án crypto

Hiệu ứng mạng là gì? Tại sao nó lại là yếu tố quan trọng khi chúng ta xem xét đầu tư vào một dự án crypto? Những điều gì làm nên một hiệu ứng mạng mạnh của một dự án crypto?

Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu hiệu ứng mạng là gì

Hiệu ứng mạng hay network efffect được biết đến trong thời buổi đầu tiên khi người ta nghiên cứu về các mạng lưới kiểu như mạng điện thoại, mạng máy fax, và sau này hiệu ứng mạng được nói đến trong hầu như bất kỳ dự án web và gần đây là những dự án blockchain, crypto, defi,…

Cụ thể là nếu bạn chỉ có một chiếc điện thoại và ngoài ra không ai có điện thoại, thì chiếc điện thoại của bạn không dùng để gọi được cho ai cả và nó không có giá trị. Nhưng nếu có một người nữa có điện thoại, thì chiếc điện thoại của bạn trở nên có giá trị. Bạn có thể liên lạc với người kia từ xa thay phải chạy đến và nói với anh ta. Có thêm chiếc điện thoại thứ 3, bạn có thể gọi không chỉ một người mà có thể gọi cho 2 người kia, và hai người kia cũng vậy, cứ thế, càng có nhiều điện thoại thì giá trị sử dụng của nó càng tăng lên. Giá trị này gọi là hiệu ứng mạng.

Với mạng điện thoại này theo các chuyên gia đánh giá thì giá trị của mạng lưới bằng bình phương của số lượng nút mạng - 1 (hay cái điện thoại mà người ta có thể dùng để liên lạc).

Tại sao hiệu ứng mạng lại quan trọng?

Như chúng ta đã thấy, giá trị của một mạng tính bằng bình phương số phần tử của mạng, nên mạng càng có nhiều phần tử thì nó càng có giá trị gấp nhiều lần mạng có ít phần tử hơn. Ví dụ, hai mạng điện thoại một mạng có 2 chiếc còn mạng kia có 4 chiếc thì giá trị của mạng có 4 chiếc điện thoại sẽ là 3 mũ 2 tức 9 trong khi mạng có 2 chiếc chỉ là 1 mũ 2 tức là 1. Điều này có nghĩa mạng có 4 chiếc điện thoại mạnh gấp 9 lần mạng có 2 chiếc điện thoại trong khi số điện thoại chỉ có gấp 2.

Những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu ứng mạng

Ví dụ ở trên là đơn giản hoá về hiệu ứng mạng chứ thực tế không hẳn như vậy. Hiệu ứng mạng phụ thuộc vào một yếu tố gọi là khả năng tương tác giữa các nút mạng. Không phải cứ có nhiều điện thoại thì mọi người sẽ gọi cho tất cả những người còn lại mà thực ra về tiềm năng thì như vậy nhưng thực tế thì người ta chỉ gọi cho người họ quen chứ không mấy khi gọi cho người lạ. Nên một mạng lưới dù có ít nút mạng hơn cũng vẫn có thể có những chiến lược để bù đắp sự kém cỏi về tiềm năng tương tác do ít nút mạng hơn. Khi bọn mình lập nên lamchame.com sau web Trẻ thơ tầm 3 năm thì mạng lưới bên đó đã có khoảng 20 ngàn thành viên, còn mình chỉ có 1. Cho đến ngày mình bán lamchame.com thì khoảng cách chỉ còn WTT gấp 3 về số lượng thành viên so với LCM. Tuy nhiên, về mức độ tương tác thì Lamchame.com đã vượt qua webtretho với số lượng bài viết được đăng mỗi ngày của LCM nhiều gấp 2 lần số bài viết của WTT, và số lượt truy cập thì không còn chênh lệch bao nhiêu. Thực tế, LCM đã tập trung tăng tính tương tác của các thành viên và giảm thiểu các yếu tố phản mạng lưới, trong khi WTT không làm điều đó nên hầu như số lượng tài khoản của LCM gần là số thật, còn WTT có rất nhiều tk ảo, trong đó có những người dùng tạo hàng trăm nick ảo để đăng được nhiều bài hơn.

Điều gì tạo nên hiệu ứng mạng mạnh cho dự án crypto?

Chắc bạn cũng có thể đoán được. Đó là làm sao tăng sự tương tác của các nhân tố mạng và phải giảm thiểu những nhân tố phản mạng.

Trên mạng lưới blockchain, tương tác về cơ bản là các giao dịch trên mạng. Đó có thể là các giao dịch gửi nhận Token, nhưng cũng có thể là những giao dịch tương tác với các smart contract như gửi tiền cho vay, swap giữa các loại tài sản với nhau,…

Nhưng không chỉ có vậy, mạng lưới crypto phức tạp hơn, vì nó còn có yếu tố giá trị. Người dùng chuyển nhiều tiền vào nó, dù không tương tác cũng làm tăng giá trị cho mạng. Ví dụ, chúng ta thấy mạng Ethereum với BSC. Mặc dù BSC có rất nhiều tương tác (tất nhiên trước đây Binance và các dự án Tầu gian lận tạo rất nhiều giao dịch ảo), nhưng đến nay, có lẽ họ cũng có nhiều giao dịch thật hơn. Nhưng Ethereum vẫn có giá trị hơn gấp nhiều lần. Đó là nhờ yếu tố giá trị lưu trữ được cất giữ trên Ethereum lớn hơn. Bởi vậy, thanh khoản là yếu tố quan trọng không kém số lượng người dùng hay mức độ tương tác.


Đó là những nhận định của mình. Còn bạn thì nghĩ thế nào?

Xem thêm: Tầm quan trọng của TVL trong hệ sinh thái crypto
 
Trong phần trên mình đã đề cập đến những đặc tính về hiệu ứng mạng, như hiệu ứng mạng là gì, tại sao nó quan trọng, và ảnh hưởng của nó với dự án crypto. Tuy nhiên, trong phần trên mình chưa đề cập nhiều những yếu tố nào tạo nên hiệu ứng mạng của một hệ sinh thái blockchain. Hệ sinh thái blockchain còn phức tạp hơn các mạng xã hội, các marketplaces (các chợ giao dịch, như sàn thương mại điện tử, AirBnB, Uber,…) vì trên một nền tảng blockchain người ta còn tạo ra những ứng dụng dApps mà mỗi ứng dụng này cũng có thể đóng vai trò như những nền tảng với nhiều nhân tố tham gia mạng lưới của nó.

Một nền tảng blockchain như Ethereum hay Polkadot rất phức tạp. Với Ethereum nó có thể có rất nhiều ứng dụng, người dùng, chưa kể những ứng dụng lại có những đối tượng người dùng hay ứng dụng con, mà trên Ethereum lại có thể có các blockchain layer 2 (lớp 2), layer 3,… Tương tự, Polkadot như Ethereum nhưng có thể có các lớp sau của nó gọi là các parachains, mỗi parachain lại có thể có các người dùng, ứng dụng và layer 2, layer 3,… của nó nữa.

Để so sánh hiệu ứng mạng của những nền tảng này sẽ khá là phức tạp, và nó không tĩnh mà liên tục thay đổi. Ví dụ, trên Polkadot nếu một số parachains của nó tự nhiên thu hút được nhiều người dùng, nhiều ứng dụng và thanh khoản thì tự nhiên Polkadot sẽ phát triển bùng nổ.

Để dễ cho việc tìm hiểu, đánh giá và so sánh giữa các nền tảng để có thể đặt cược dài hạn cho nó có lẽ chúng ta nên phân tách một số yếu tố chính tạo nên những hiệu ứng mạng nổi bật. Mình sẽ mô tả trong các post tiếp theo nhé.
 
Back
Top