Nền tảng và hệ sinh thái

bhkien

Administrator
Staff member
Ông hàng xóm nhà mình là một người chơi cá cảnh có đến hơn 40 năm kinh nghiệm. Một hôm sang chơi nhà mình thấy bể cá cảnh của mình thì ông về mang cho mình thêm nào là rong rêu, nào là ốc, nào là cá cat fish và hướng dẫn cho mình thay vì để các rong rêu giả bằng nhựa thì thay bằng cây thật. Đúng là nhờ có sự tư vấn của ông, và với việc bổ sung các thành phần như cá cat fish, ốc, rong rêu,… thì việc chăm sóc bể cá của mình nhàn đi hẳn. Đàn cá cũng vui vẻ và trông đẹp hơn, sinh sản nhiều hơn và đặc biệt, mình ít phải thay nước và rửa lọc hơn. Bể cá lúc đầu của mình giống như một nền tảng, cũng có thể nuôi được một số loại cá cảnh, nhưng do môi trường không cân bằng nên cá dễ nhiễm bệnh, và bản thân mình cũng phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc cá, thay nước thường xuyên hơn, rửa lọc thường xuyên hơn. Có thể nói, bể cá của mình lúc đầu chỉ là một platform (một nền tảng) còn bể cá của mình sau khi được tư vấn của ông hàng xóm thì nó trở nên một hệ sinh thái với các thành phần tham gia để tạo được sự cân bằng khiến cho mình phải tác động vào nó rất ít. Với một hệ sinh thái thật sự hoàn chỉnh thì nó hoàn toàn không cần có sự tác động nào. Bài viết này mình sẽ chia sẻ về sự khác biệt giữa các nền tảng hay còn gọi là các platform với các hệ sinh thái hay còn gọi là các ecosystem.

1*gmYaVvF3iLiTPjyliXJy9A.jpeg

Credit: ebeezy.com

Lại nói về chuyện bể cá, sở dĩ ông hàng xóm của mình có thể thiết kế được một hệ sinh thái trong bể cá cảnh là vì ông ấy chơi cá cảnh từ lúc còn nhỏ, ông kể rằng bắt đầu chơi cá cảnh lúc 12 tuổi và sau đó để trong tầng hầm nhà bố mẹ đến 300 bể cá các loại nên ông có rất nhiều thời gian tìm hiểu, theo dõi, thử nghiệm và nghiên cứu về các loại cá cảnh, đến nỗi ông có thể biết được khi nào cá của ông bị căng thẳng… Bởi yêu thích cá cảnh, và cần chăm sóc một số lượng lớn các bể cá khác nhau cho nên ông phải tìm cách làm sao cho giảm bớt thời gian chăm sóc nhất có thể mà đàn cá vẫn có được sự thoải mái như trong tự nhiên.

Trong lĩnh vực kinh doanh trên mạng Internet, một trong những mô hình kinh doanh được yêu thích và đã chứng minh được thành công rất nhiều lần đó là làm sao cho việc kinh doanh của mình trở thành một dạng nền tảng. Nền tảng, hay platform là nơi sản phẩm của mình trở thành một thành phần cơ bản để người dùng cũng có thể tham gia đóng góp và tạo thêm giá trị cho những người sử dụng khác. Chúng ta có thể dễ thấy Youtube là một nền tảng phổ biến nơi chúng ta thấy người dùng ngoài việc xem vô số những video clip trên đó còn có thể tự mình tạo ra những nội dung mới đăng lên để cho những người dùng khác thưởng thức. Facebook cũng là một nền tảng mạng xã hội nơi người dùng vào chia sẻ thông tin. iPhone, iOS là một nền tảng nơi người dùng mua iPhone về sử dụng nhưng có những người dùng khác có thể tạo ra các phần mềm và bán nó trên App Store…. Chúng ta có thể thấy rằng các nền tảng có một điểm chung là nhà phát triển nền tảng không phải là đối tượng duy nhất tạo ra giá trị cho nền tảng. Với mô hình kinh doanh truyền thống, chủ yếu nhà sản xuất là tạo ra giá trị, sau đó, các nhà phân phối, bán lẻ cũng tạo thêm giá trị gia tăng nhưng người dùng bình thường ít có cơ hội tham gia tạo thêm giá trị cho nó. Nói chung, với các mô hình kinh doanh truyền thống, việc tham gia tạo thêm giá trị là tương đối giới hạn và phạm vi tạo thêm giá trị cũng bị giới hạn. Với các nền tảng, bất cứ ai cũng có thể tham gia đóng góp thêm giá trị cho nền tảng và phạm vi có thể đóng góp giá trị cũng nhiều hơn. Khi có nhiều người đóng góp giá trị vào hơn, nền tảng có thêm sức mạnh. Điểm đặc trưng của nền tảng bên cạnh việc để người dùng cũng có thể tạo thêm giá trị thì còn có một yếu tố nữa đó là có hiệu ứng mạng. Tức là khi một nền tảng càng có nhiều người sử dụng, giá trị của cả nền tảng lại tăng lên rất nhiều. Nói tóm lại, giá trị của một nền tảng chính là sự tham gia đóng góp giá trị của người dùng và số lượng của người dùng. Càng có nhiều người dùng, và càng có nhiều người dùng tham gia đóng góp giá trị vào nền tảng thì nền tảng càng thành công.

Chúng ta có thể thấy rằng bể cá của mình cũng là một nền tảng, cá là những người dùng của nền tảng. Để nền tảng bể cá của mình đẹp hơn, mình phải bổ sung các loại cá mới, cho chúng ăn một cách đều đặn, thay nước thường xuyên để cá không bị nhiễm bệnh, và phải xử lý trong trường hợp cá nhiễm bệnh. Tất nhiên cá của mình cũng có thể sinh thêm cá con trong bể cá đó, cũng giống như người dùng tạo thêm các giá trị cho nền tảng. Nhưng, mình vẫn phải tương tác khá nhiều để giữ cho bể cá trông đẹp mắt. Vì cứ một thời gian, rêu mọc lên nhiều làm mờ kính, tảo nhiều khiến nước bị xanh, và chính tảo đó đi vào mang cá nhiều lại khiến cá nhiễm bệnh… do đó công sức của mình để chăm sóc bể cá không hề giảm đi. Vậy làm sao để cái bể cá của mình phải tự vận hành, tức là nó phải giảm bớt công sức của mình mà vẫn thưởng thức được vẻ đẹp của cá. Bởi vậy, “nhà cá học” hàng xóm của mình đã giúp mình thêm các con ốc để nó ăn bớt tảo, cá cat fish cũng ăn bớt rong rêu và thức ăn thừa, cây xanh để cung cấp thêm ô xi và hấp thụ bớt lượng nitơ do phân cá và thức anh thừa,… Do đó môi trường trong bể cá của mình trở nên cân bằng hơn khiến mình đỡ tốn công hơn.

Mô hình kinh doanh với các dự án blockchain hiện nay cũng vậy, nó cơ bản là những nền tảng nhưng một số nền tảng được thiết kế tốt sẽ trở nên giống với một hệ sinh thái nhiều hơn. Ví dụ, Ethereum là một nền tảng nơi người dùng có thể tham gia tạo ra những smart contract để thực hiện những công việc và tạo thêm giá trị cho người dùng. Chúng ta thấy Ethereum mở ra cánh cửa để người dùng tạo ra rất nhiều các ứng dụng phi tập trung thú vị, đặc biệt là các ứng dụng Defi hay còn gọi là tài chính phi tập trung. Thế nhưng, bản thân Ethereum chưa phải là một hệ sinh thái vì, khi đông người sử dụng, nó tạo ra yếu tố có hại cho nền tảng đó là phí gas cao khiến cho trải nghiệm của người dùng bị giảm chất lượng đi. Một hệ sinh thái là làm sao cho phải có các thành phần tham gia để hấp thụ bớt những yếu tố có hại đó. Cũng giống như bể cá cảnh của mình, nếu nhiều cá chúng sẽ ỉa ra nhiều phân và phân làm tăng lượng nitơ khiến có hại cho sức khoẻ của cá. Nếu bạn đầu tư vào các dự án và mong đợi nó thành công một cách lâu dài, hẳn bạn muốn dự án của bạn giống với một hệ sinh thái, để nó tự cân bằng các yếu tố và duy trì hoạt động của nó mà cần ít sự can thiệp của nhóm phát triển dự án giống như cách mà “nhà cá học” đã giúp mình trong việc cải tiến bể cá cảnh.

Bây giờ chúng ta xem xét các nền tảng blockchain nơi cho phép tạo ra các ứng dụng trên đó như Ethereum, Solana, Polkadot, Cosmos, Avalance, BSC, Near,… bạn thấy những nền tảng nào được thiết kế giống với một hệ sinh thái hơn? Hãy chia sẻ bằng các comment luôn ở dưới nhé.

(Bài mình đã đăng trên Medium năm 2021, nhưng giờ rút xuống và đăng lại ở đây)
 
Last edited:
Back
Top