Mở tài khoản đầu tư trực tiếp tại Canada

bhkien

Administrator
Staff member
Khi bạn đến ngân hàng hoặc công ty tài chính để mở tài khoản đầu tư, bạn sẽ nhận được những lời khuyên về việc mở tài khoản đầu tư vào quỹ mà do họ quản lý, thường được gọi là quỹ tương hỗ quản lý chủ động (hay còn gọi là active mutual fund). Tại sao lại như vậy? Rất đơn giản, đó là vì công ăn việc làm và lợi nhuận của họ.

Khi bạn đưa tiền cho họ quản lý, họ sẽ thu phí quản lý khoảng chừng 1-2% mỗi năm. Nghe có vẻ không nhiều, và họ cũng sẽ show cho bạn khả năng quản lý của họ tốt ra sao, và quỹ mà họ quản lý đầu tư vào những công ty nào và kết quả ra sao.

Mặc dù họ có rất nhiều tài năng để thực hiện các công việc đầu tư, nhưng nếu trừ chi phí thì nếu tính về mặt dài hạn thì không hơn, thậm chí là kém so với mức trung bình của thị trường (thường biết đến với chỉ số S&P 500). Vì sao? Rất hiếm người có thể hơn được S&P 500 về mặt dài hạn, tuy có thể trong ngắn hạn họ có thể thắng hơn. Mà S&P 500 trung bình lợi nhuận được khoảng 10% nếu giả sử quỹ đó đạt mức đó thì trừ đi 1-2% thì khoản đầu tư của bạn sẽ kém xa mức trung bình. Bởi vậy, hầu hết các nhà đầu tư không chuyên chỉ nên đầu tư vào quỹ chỉ số thị trường này vừa an toàn mà phí lại cực thấp, khoảng 0.09% hoặc 0.03% mỗi năm. Vì sao? Vì quỹ chỉ số không cần làm gì chỉ cần chọn ra 500 công ty có giá trị lớn nhất và mua vào cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ % cổ phiếu của các công ty đó. Do đó, nó không cần nhân tài gì hết cũng có thể làm được việc này. Chưa kể các quỹ quản lý chủ động phải trả lương cho những người gọi là tư vấn tài chính (financial planner, financial consultant), mà thực ra họ là những nhân viên bán hàng, bán dịch vụ quản lý quỹ của họ.

Do đó, rất khó để các bạn có thể từ chối được việc để họ quản lý. Nhưng nếu từ chối được, bạn sẽ yêu cầu họ mở cho bạn tài khoản Direct Investment (tức là bạn tự quản lý việc đầu tư của mình một cách trực tiếp. Với tài khoản direct investment, bạn có thể mua cổ phiếu cụ thể của các công ty, mua trái phiếu, hoặc các chứng chỉ hàng hóa hay các tài sản phái sinh (những sản phẩm tài chính có tính chất đánh bạc - kiểu như tùy chọn, giao dịch ký quỹ - kiểu đòn bẩy,…), hoặc các quỹ tương hỗ kiểu chỉ số, quỹ ETF…

Do những tính chất liên quan đến thuế, tài khoản direct investment cũng sẽ có nhiều loại (nếu ở Mỹ thì tên gọi khác với ở Canada nhưng bản chất thì có rất nhiều sự tương đồng). Về cơ bản thì chính phủ sẽ khuyến khích bạn đổ tiền vào đầu tư, nhờ việc đầu tư của bạn nó sẽ có vốn cho các công ty mở rộng việc kinh doanh, và nhờ đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân và họ sẽ thu được các loại thuế khác như thuế mua sắm hàng hóa (Canada gọi là GST, PST, HST còn ở Việt Nam gọi là VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế đánh vào cổ tức, thuế lợi nhuận tư bản… Khi bạn còn muốn để đầu tư, họ sẽ có các loại miễn thuế, chậm thu thuế,… để sau này số tiền được đầu tư lớn dần họ mới thu thuế (rất khôn đúng không).

Có một số loại tài khoản direct investment liên quan đến các loại miễn thuế và hoãn thuế như sau:
  • TFSA hay Tax Free Saving Account, loại này nếu bạn đầu tư và sinh lời, bạn sẽ không phải chịu thuế. Tuy nhiên, nó có giới hạn, tức là mỗi năm bạn chỉ có thể bỏ thêm vào tài khoản này một số nhất định nào đó. Nếu mình nhớ không nhầm thì hiện nay mỗi năm bạn chỉ được bỏ thêm vào Ca$ 6,500.00 thôi. Nếu bạn muốn đầu tư nhiều hơn thì bạn phải để ý đến các loại khác
  • RESP hay Registered Education Saving Plan. Loại này có nghĩa là ưu tiên cho bạn đầu tư cho việc tiết kiệm tiền để cho con cái đi học đại học. Với loại này chính phủ cũng rất khôn. Họ không thu thuế nếu bạn đầu tư vào loại này mà có lãi, nhưng khoản thuế mà bạn đáng lẽ sẽ thu của bạn cũng tương đương việc đây có thể coi như họ đầu tư cho con bạn. Vì con bạn có học hành cao hơn thì sẽ có khả năng làm việc có thể có lương cao hơn và họ sẽ thu được thuế thu nhập của công dân có thu nhập cao hơn cũng đáng để họ chấp nhận rủi ro không thu thuế của bạn. Với RESP bạn chỉ được góp tối đa mỗi năm Ca$ 2,500.00 cho mỗi đứa trẻ dưới 18 tuổi và họ còn đầu tư thêm bằng việc góp thêm cho bạn 20% số mà bạn góp. Tức là nếu bạn đầu tư tối đa cho 1 đứa con mỗi năm Ca$ 2,500.00 thì con bạn được chính phủ cho thêm Ca$ 500 mỗi năm. Nhưng bạn phải rút khoản đầu tư này muộn nhất là lúc con bạn 25 tuổi.
  • RRSP hay Registered Retire Saving Plan. Loại này không phải miễn thuế nhưng chậm thu thuế. Loại này cũng có giới hạn. Nếu mình nhớ không nhầm thì giới hạn gần đây nhất mỗi năm bạn được góp tối đa 18% thu nhập từ lương của bạn cho loại đầu tư này. Thu nhập từ lương, có nghĩa là chỉ từ lương mà bạn được trả khi đi làm chứ không tính các loại thu nhập như lãi suất gửi tiết kiệm, cổ tức, hay lãi tư bản (capital gain)… Loại này không miễn thuế mà chỉ chậm thu thuế của bạn mà thôi. Tức là bạn cứ chắt bóp để mà đầu tư đi, đến khi số tiền của bạn lớn lên rồi thì họ mới thu thuế. Cái này chính phủ cũng rất khôn, nhưng nếu mình không tỉnh thì còn bị thiệt hơn là không. Vì đến một độ tuổi nhất định khi đã về hưu bạn buộc phải rút ra. Và nếu không rút dần mà để rút vào hạn chót, năm đó khi rút ra bạn sẽ có thu nhập rất cao và theo mức thu nhập càng cao thì tỷ lệ thuế thu nhập mà bạn càng phải đóng càng nhiều.
Giả sử bạn có từng đó loại loại đầu tư miễn, chậm thuế bạn cần ít nhất chừng đó loại tài khoản. Nếu bạn có từng đó loại đầu tư mà thêm bằng USD thì lại có thêm từng đó tài khoản đầu tư direct investment. Còn nếu bạn cũng có khoản đầu tư mà để nhân hàng quản lý, bạn cũng cần từng đó tài khoản nữa cho loại mà ngân hàng quản lý. Và chú ý rằng giới hạn của từng loại đầu tư mà chính phủ quy định không phụ thuộc vào số tài khoản của bạn mà tính tổng. Càng có nhiều loại càng phức tạp và ngân hàng sẽ thu phí cho các loại tài khoản đó. Nếu bạn có đầu tư nhiều, họ sẽ miễn phí hàng năm nhưng vẫn sẽ thu phí theo mỗi giao dịch.

Tùy từng ngân hàng và tùy mức độ giao dịch họ sẽ thu phí giao dịch thế nào. Nếu bạn là trader, giao dịch nhiều mỗi tháng thì phí cho mỗi giao dịch thấp, nhưng nếu bạn là dạng đầu tư dài hạn thỉnh thoảng mới thực hiện giao dịch thì phí giao dịch sẽ cao.

Tạm như vậy đã, như thế có vẻ đã khá phức tạp rồi đúng không? Nếu bạn có những câu hỏi, hoặc bình luận, hãy comment ở bên dưới nhé.

Vui lòng chú ý rằng đây là những chia sẻ có tính cá nhân, không phải lời khuyên tài chính, và có thể độ chính xác không được đảm bảo mà chỉ mang tính chất thông tin tham khảo. Để chính xác, bạn hãy tìm hiểu thêm và xác thực từ các nguồn khác nhau.
 
Back
Top