Ba cấp độ chính phủ của các nước phương Tây

bhkien

Administrator
Staff member
Chắc chúng ta có từng nghe nói về cơ chế gọi là tam quyền phân lập để phân tách quyền lực thành ba nhánh lập pháp, hành pháp, và tư pháp để giảm bớt sự độc quyền gây nguy hiểm cho đất nước trong dài hạn. Nhưng thực ra chính phủ của các nước phương Tây không chỉ có chẻ dọc thành 3 nhánh như vậy mà còn cắt ngang thành 3 tầng thành 3 cấp gọi là cấp liên bang, tỉnh bang (ở Canada hay tiểu bang ở Mỹ), và cấp thành phố. Nhờ vậy, chính phủ không phải là một khối mà thực ra được cắt thành nhiều khối nhỏ độc lập, khiến quyền lực độc quyền của nó bị hạn chế, nhờ đó giảm được sự quan liêu, độc quyền, trì trệ,… gây hại cho dân chúng. Tất nhiên, chính phủ của các nước phương Tây không chỉ có chia cắt như vậy mà thậm chí còn chia cắt nhiều hơn, như ngân hàng trung ương cũng là một thế lực độc lập về mặt tài chính, truyền thông, cảnh sát,… cũng được chia thành nhiều thành phần độc lập, nhưng trong phạm vi bài viết này mình chỉ giới hạn 3 cấp độ theo chiều ngang của chính phủ cho đỡ phức tạp.

Từ thủa xa xưa, chính phủ thường tập trung quyền lực về tay vua. Ông hay bà vua, nhất là ở châu Á thường có quyền lực quá lớn, vừa đặt ra luật pháp, vừa có thể giải thích nó một cách tùy tiện theo mình thích, lại duy trì sức mạnh quân sự, hành chính để thực thi nên người dân, thậm chí quan cũng không thể nào trái ý vua dù những ý muốn đó đôi khi kỳ quặc và có hại cho đất nước. Bởi thế qua hàng ngàn năm phong kiến ở châu Á, khoa học, nghệ thuật, kinh tế đều kém phát triển. Châu Âu cũng vậy, nhưng đỡ tệ hơn vì bên cạnh quyền lực của vua thì thế lực tôn giáo cũng đóng một vai trò làm hạn chế bớt quyền lực đó nên ông vua ở châu Âu thường ít quyền lực hơn vua châu Á. Hiếm ông vua nào có thể có quá nhiều vợ, cũng như quyền sinh quyền sát như vua ở Việt Nam, Trung Quốc. Do đó, châu Âu nhanh chóng phát triển những hình thức khoa học như triết học, tâm lý, nghệ thuật, khoa học, kinh doanh, chính trị,… trong khi ở châu Á chỉ tập trung vào văn học chỉ để tâng bốc, tán tụng các ông vua bà vua.

Vì những bất lợi của việc tập trung quá nhiều quyền lực về tay ít người khiến cho cả xã hội trở nên ù lì, ít có động lực để đổi mới và sáng tạo. Và khi có sự tranh chấp quyền lực thì nó cũng tàn bạo và khốc liệt hơn. Những ông vua mới lên ngôi sẽ tàn sát không thương tiếc gia đình những ông vua cũ, thậm chí còn tàn sát cả ba họ những vua trước hay những người dám chống đối. Cho dù ông vua lúc đầu mới lên là người tài giỏi, công tâm. Nhưng sự tập trung quá nhiều quyền lực, không được áp lực để phải đổi mới sáng tạo nên chỉ một thời gian là không còn tốt nữa. Và nếu đến các thế hệ con cháu họ thì thường khó giữ được tốt đẹp như trước chứ chưa nói đến thay đổi và cải tiến hơn.

Châu Âu, đã sớm thay đổi, từ thời Hy Lạp cổ đại người ta đã nhận thấy lợi ích của một chính phủ phi tập trung, và đến thời La Mã cổ đại người ta đã xây dựng nên được nền cộng hòa để nhiều người trong giới tinh hoa lãnh đạo đất nước.

Phương Tây ngày nay đã tạo nên hình mẫu về chính trị, thiết lập cái gọi là nhân quyền để đảm bảo những quyền cơ bản nhất cho công dân khiến cho xã hội sáng tạo hơn. Và cơ chế tam quyền phân lập, và cơ cấu nhà nước 3 cấp khiến cho chính phủ khó mà chỉ để phục vụ cho lợi ích chính nó mà phải phục vụ lợi ích cho người dân nhiều hơn.

Với cơ chế ba cấp, liên bang, tiểu bang và thành phố, chính phủ được chia ngang và mỗi cấp được độc lập với nhau hơn khiến cho tổng thống hay thủ tướng không có quyền ra lệnh cho ông thị trưởng hay trưởng công an của thành phố, vì cấp liên bang, tiểu bang hay tỉnh bang, và cấp thành phố được coi là ngang hàng nhưng được phân công những loại nhiệm vụ riêng biệt mà các bên khác không được xâm phạm trừ một số ít trường hợp khẩn cấp.

Với việc chia ngang ba cấp độ một cách độc lập, ba cấp này tồn tại dựa vào 3 loại thuế riêng biệt. Do đó, nếu chính phủ liên bang, như thời tổng thống Trump ở Mỹ bị đóng cửa vài lần mà đất nước không bị hỗn loạn.

Việc phân tách chia trách nhiệm cho chính phủ liên bang trách nhiệm liên quan đến tầm quốc gia, như các quyền lực để làm việc với chính phủ các nước khác, tổ chức quân đội, ngoại giao, quản lý in tiền, và xử lý tội phạm ở mức liên bang,… Chính phủ liên bang sống dựa vào thuế dành cho liên bang, như thuế hàng hóa dịch vụ cấp liên bang (ở Canada gọi là thuế GST), mà trong hóa đơn bán hàng thường sẽ ghi rõ số tiền mà bạn phải trả cho loại thuế này. Ở Canada, GST là 5% giá trị đơn hàng. Ngoài ra, thuế liên bang còn có một phần thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chính phủ tỉnh bang (hay còn gọi là tiểu bang ở Mỹ) phụ trách những trách nhiệm như y tế giáo dục, và an ninh trật tự,… thuộc cấp độ bang của mình. Người từ Việt Nam đến Canada sẽ có cảm nhận như mỗi tỉnh bang ở đây giống như một quốc gia riêng, có quốc hội, luật,… và dễ thấy là bằng lái xe ở mỗi tỉnh bang là khác nhau. Chính phủ tỉnh bang sống dựa vào thuế dành cho tỉnh bang, hoặc tiền bán tài nguyên thiên nhiên thuộc tỉnh bang. Thuế hàng hóa dịch vụ cho tỉnh bang ở Canada có thể gọi là PST hay HST tùy theo các tỉnh, và tỷ lệ này cũng khác nhau ở các tỉnh khác nhau. Có tỉnh là 7%, tỉnh 8%, có tỉnh 0% như Alberta ở Canada và Delaware, Montana, New Hamshire,… ở Mỹ.

Chính phủ cấp thành phố thường không có thu được từ thuế hàng hóa dịch vụ mà thường dựa vào thuế bất động sản và các khoản thu như tiền đỗ xe,… Chính phủ thành phố sẽ cần duy trì chi phí cho cảnh sát của thành phố mình, duy trì các dịch vụ tiện ích như thu gom rác, cấp nước sạch, nước thải,…

Một số thành phố hoặc các vùng nông thôn, chính phủ thành phố, hoặc các tỉnh bang nghèo vẫn có thể nhận trợ cấp từ chính phủ liên bang. Nhưng nói chung chúng vẫn duy trì những mức độ độc lập thay vì một thể thống nhất và quản lý tập trung như ở Việt Nam hiện nay hay chế độ của các ông vua thời trước.

Nói chung, với việc tách bạch trách nhiệm, quyền lực, và nguồn tài chính khiến chính phủ tập trung hơn, ít tốn kém hơn, ít gây hại hơn,.., và có quan trọng hơn là phục vụ tốt hơn đời sống cho người dân.

Tạm thời như vậy, rất có thể những hiểu biết mình còn thiếu sót và hạn chế. Rất mong nhận được những chỉ dạy từ các bạn.
 
Back
Top